Chính sách nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 02/2020

Toàn bộ văn bản QPPL có hiệu lực từ đầu tháng 02/2020

1. Chế độ kế toán áp dụng với Trung tâm Lưu ký chứng khoán từ 2020

Ngày 26/12/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 89/2019/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Theo đó quy định về  tài khoản kế toán như sau:

– Danh mục hệ thống tài khoản kế toán và nội dung, kết cấu, phương pháp ghi chép một số tài khoản kế toán đặc thù của VSD thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục số 01.

– Trường hợp VSD cần bổ sung tài khoản cấp 1, cấp 2 hoặc sửa đổi tài khoản cấp 1, cấp 2 đã hướng dẫn tại Thông tư này về tên, ký hiệu, nội dung và phương pháp hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh đặc thù phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.

– VSD được mở thêm các tài khoản từ cấp 2 trở đi đối với những tài khoản không có quy định tài khoản cấp 2, cấp 3 nhằm phục vụ yêu cầu quản lý của VSD mà không phải đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận.

Xem chi tiết phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 89 (có hiệu lực từ ngày 10/02/2020).

2. Sửa quy định về hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm

Thông tư 32/2019/TT-BYT đã sửa đổi một trong những thành phần hồ sơ là Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư 06/2011/TT-BYT  khi công bố sản phẩm mỹ phẩm như sau:

– Trường hợp công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu từ các nước không phải là thành viên CPTPP thì phải có CFS đáp ứng các yêu cầu sau:

+ CFS do nước xuất khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam cấp là bản chính, còn hạn; trường hợp CFS không nêu thời hạn thì phải là bản được cấp trong vòng 24 tháng kể từ ngày cấp.

+ CFS phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

+ CFS phải có tối thiểu các thông tin theo quy định tại Điều 36 Luật Quản lý Ngoại thương và Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

– Trường hợp công bố sản phẩm mỹ phẩm được lưu hành và xuất khẩu từ các nước thành viên CPTPP (Nước thành viên CPTPP là bất kỳ Nhà nước hoặc lãnh thổ hải quan riêng nào mà Hiệp định CPTPP đã được phê chuẩn và có hiệu lực) thì không phải có CFS.”

Thông tư 32/2019/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/02/2020.

3. Yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng

Ngày 16/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 24a/2016/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng.

Theo đó, quy định về những yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng như sau:

– Dự án phải phù hợp với quy hoạch theo quy định pháp luật về quy hoạch và tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

– Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu phải lựa chọn công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại đáp ứng các tiêu chí về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và được thẩm định công nghệ theo quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Nghị định 95/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/02/2020.

4. Hồ sơ tự công bố lưu hành giống cây trồng

Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 94/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.

Cụ thể, hồ sơ tự công bố lưu hành giống cây trồng bao gồm:

– Bản tự công bố lưu hành giống cây trồng theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

– Quy trình canh tác của giống do tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng biên soạn.

– Bản công bố các thông tin về giống cây trồng theo mẫu được ban hành kèm theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Nghị định 94/2019/NĐ-CP  có hiệu lực từ ngày 01/02/2020.

CÁC TIN TỨC KHÁC