Đôi khi do sai sót dẫn đến việc kế toán nộp thừa thuế Giá trị gia tăng. Vậy trong trường hợp này có được hoàn lại hay không? Nếu có thì hồ sơ đề nghị hoàn thuế nộp thừa sẽ được quy định cụ thể như thế nào?
1.Thuế giá trị gia tăng là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 định nghĩa khái niệm thuế giá trị gia tăng như sau:
“Điều 2. Thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.”
Như vậy, thuế giá trị gia tăng là thuế đánh trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ.
Ngoài tên gọi thuế giá trị gia tăng ra thì còn có cách gọi thông thường khác là thuế VAT.
Cụm từ VAT là viết tắt bằng tiếng anh của cụm từ Value-Added Tax.
2.Nộp thừa thuế giá trị gia tăng thì có được hoàn lại không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC về xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa như sau:
“Điều 25. Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa
1. Người nộp thuế có số tiền thuế nộp thừa, tiền chậm nộp nộp thừa, tiền phạt nộp thừa (sau đây gọi là khoản nộp thừa) theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Quản lý thuế thì được xử lý bù trừ hoặc hoàn trả như sau:
a) Bù trừ khoản nộp thừa với số tiền thuế còn nợ, tiền chậm nộp còn nợ, tiền phạt còn nợ (sau đây gọi là khoản nợ) hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phát sinh phải nộp của lần tiếp theo (sau đây gọi là khoản thu phát sinh) trong các trường hợp:
a.1) Bù trừ với khoản nợ của người nộp thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) và cùng địa bàn thu ngân sách với khoản nộp thừa.
a.2) Bù trừ với khoản thu phát sinh của người nộp thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) và cùng địa bàn thu ngân sách với khoản nộp thừa.
…
b) Hoàn trả, hoàn trả kiêm bù trừ thu ngân sách
Người nộp thuế có khoản nộp thừa sau khi thực hiện bù trừ theo hướng dẫn tại điểm a khoản này mà vẫn còn khoản nộp thừa hoặc không có khoản nợ thì người nộp thuế được gửi hồ sơ đề nghị hoàn trả hoặc hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 42 Thông tư này. Người nộp thuế được hoàn trả khoản nộp thừa khi người nộp thuế không còn khoản nợ.”
Như vậy, khi có phát sinh tiền thuế nộp thừa thì người nộp thuế sẽ được bù trừ với khoản nợ, khoản thu có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) và cùng địa bàn thu ngân sách với khoản nộp thừa. Trường hợp sau khi bù trừ mà vẫn còn thừa thì mới được đề nghị hoàn lại thuế.
3.Hồ sơ đề nghị hoàn thuế nộp thừa được quy định như thế nào?
Về hồ sơ đề nghị hoàn thuế nộp thừa được quy định tại Điều 42 Thông tư 80/2021/TT-BTC như sau:
“Điều 42. Hồ sơ hoàn nộp thừa
…
2. Hồ sơ hoàn nộp thừa các loại thuế và các khoản thu khác gồm:
a) Văn bản đề nghị xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo mẫu số 01/DNXLNT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này;
b) Văn bản ủy quyền trong trường hợp người nộp thuế không trực tiếp thực hiện thủ tục hoàn thuế, trừ trường hợp đại lý thuế nộp hồ sơ hoàn thuế theo hợp đồng đã ký giữa đại lý thuế và người nộp thuế;
c) Các tài liệu kèm theo (nếu có).”
Như vậy, trường hợp của công ty anh có thể chuẩn bị hồ sơ nêu trên và nộp tại cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp.
Cơ quan thuế sẽ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hoàn thuế. Xác định số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không được hoàn, số tiền thuế nợ phải bù trừ, số thuế đề nghị nộp thay vào ngân sách nhà nước cho người nộp thuế khác, số tiền thuế còn lại sẽ được hoàn trả cho người nộp thuế. Sau đó giải quyết như sau:
– Ban hành Quyết định hoàn thuế theo mẫu số 01/QĐHT, Phụ lục số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa được hoàn trả theo mẫu số 01/PL-HTNT (nếu có) ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này trong trường hợp người nộp thuế không còn tiền thuế nợ.
– Ban hành Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 02/QĐHT, Phụ lục số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa được hoàn trả (nếu có), Phụ lục số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp được bù trừ (nếu có) ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này trong trường hợp người nộp thuế còn tiền thuế nợ hoặc người nộp thuế đề nghị bù trừ số thuế được hoàn trả với khoản nợ, khoản thu phát sinh của người nộp thuế khác.