Thưởng tháng lương thứ 13 là khoản không bắt buộc. Tuy nhiên, nhằm cổ vũ cũng như muốn thu hút nhân tài thì các công ty có chính sách thưởng tháng lương thứ 13. Khoản lương này sẽ được nêu cụ thể trên hợp đồng lao động hoặc trong thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương của công ty cũng có quy định hoặc giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Do còn nhiều mơ hồ về tính bắt buộc hay không bắt buộc của khoản tiền lương thứ 13 nên nhiều kế toán trong khi hạch toán vẫn còn nhiều khúc mắc, không rõ chi phí này có được khấu trừ khi quyết toán thuế không. Dưới đây, bài viết sẽ nêu rõ các điều kiện cũng như cách để kế toán đưa lương thưởng tháng 13 vào chi phí hợp lý.
1. Điều kiện để chi phí lương thưởng tháng 13 vào chi phí hợp lệ
Một số quy định về tiền thưởng: Căn cứ theo điều 103 Bộ luật Lao động 2012 Quy định là “Tiền thưởng” như sau:
– Tiền thưởng là khoản tiền mà DN thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả SXKD hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.
– Quy chế thưởng do DN quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Căn cứ theo Điểm 2.5, Khoản 2, Điều 6, Thông tư 78/2014/TT-BTC Quy định các khoản chi phí không được trừ gồm: Các khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau:
+ Hợp đồng lao động
+ Thỏa ước lao động tập thể
+ Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn
Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 114/2002/NĐ-CP Quy định như sau:
– Căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ, DN thưởng cho NLĐ trên cơ sở hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể mà hai bên đã thỏa thuận.
– DN có trách nhiệm ban hành quy chế thưởng để thực hiện đối với NLĐ sau khi tham khảo ý kiến ban chấp hành công đoàn cơ sở. Quy chế thưởng phải được công bố công khai trong doanh nghiệp.
Như vậy : Để đưa khoản chi phí tiền thưởng lương tháng 13 vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN thì cần:
– Ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; thoả ước lao động tập thể; quy chế tài chính của Công ty; Quy chế thưởng của Công ty, được sự đồng ý của hội đồng quản trị và được tính toán hợp lý (gắn liền và phù hợp với kết quả kinh doanh của đơn vị).
– Quyết định lương thưởng.
– Phiếu chi tiền thưởng.
– Được chi trả trước thời hạn nộp hồ sơ quyết toán năm.
Lưu ý: Trường hợp DN doanh nghiệp có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh là lỗ mà chi tiền thưởng tháng 13
– Nếu trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị có quy định: “Khoản thưởng chi lương tháng 13 cho người lao động không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của đơn vị” thì khoản tiền thưởng (chi lương tháng 13) cho người lao động được phép hạch toán vào chi phí hợp lý để tính thuế TNDN.
– Và ngược lại, nếu trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị có quy định: “Khoản thưởng chi lương tháng 13 cho người lao động phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của đơn vị (cụ thể là chỉ chi thưởng khi đơn vị kinh doanh có lãi)” thì khoản tiền thưởng (chi lương tháng 13) cho người lao động không được phép hạch toán vào chi phí hợp lý để tính thuế TNDN.
Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
2. Kế toán hạch toán lương thưởng tháng 13
– Khi trích thưởng, trích lương tháng 13 : Nợ TK 642,154, 622 Có TK 334, 338
– Khi trả thưởng, khấu trừ thuế TNCN : Nợ TK 334, 338 Có TK 111,112, 3335
Lưu ý:
– Tiền lương thưởng tháng 13 cuối năm mà hạch toán vào chi phí trong năm tài chính và thực chi trước khi nộp hồ sơ Quyết toán thuế TNDN sẽ được hạch toán vào chi phí trong năm.
– Nếu hạch toán vào trong năm tài chính – nhưng đến hạn nộp hồ sơ Quyết toán thuế TNDN mà chưa thực chi thì không được trừ vào chi phí trong năm – Mà được tính vào chi phí năm sau (năm thực chi).