Hiện nay, hội nhập kinh tế phát triển đã kéo theo sự gia tăng việc trao đổi hàng hóa, thương mại giữa các quốc gia. Điều này, khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc trao đổi hàng hóa, thương mại. Để nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị cho mình một số kiến thức về dịch vụ logistics. Bạn đọc tham khảo bài viết sau đây nhé!
1. Dịch vụ logistics là gì?
Đây là hoạt động thương mại liên quan đến hàng hóa mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này được hưởng thù lao theo sự thỏa thuận với khách hàng thực hiện một hay nhiều công việc sau:
– Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay.
– Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển.
– Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải.
– Dịch vụ chuyển phát.
– Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa.
– Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan).
– Dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải.
– Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng.
– Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển, vận tải đường thủy nội địa, vận tải đường sắt, vận tải đường bộ, vận tải hàng không, vận tải đa phương thức.
– Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật.
– Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.
– Các dịch vụ khác do doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật thương mại 2005.
2. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics phải đáp ứng các điều kiện
– Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ đó.
– Doanh nghiệp tiến hành dịch vụ này phải trang bị phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, ngoài việc phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ cụ thể, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.
– Nhà đầu tư nước ngoài muốn kinh doanh dịch vụ logistics ngoài đáp ứng các điều kiện trên còn phải đáp ứng các điều kiện của từng dịch vụ cụ thể và điều ước quốc tế mà nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng.
3. Quyền cầm giữ và định đoạt của doanh nghiệp logistics
– Trường hợp đã đến hạn mà khách hàng chưa thanh toán đủ tiền, doanh nghiệp logistics được quyền cầm giữ một số lượng hàng hóa nhất định và các chứng từ liên quan (có thông báo bằng văn bản cho khách hàng biết về việc cầm giữ).
– Sau 45 ngày kể từ ngày thông báo, nếu khách hàng không thanh toán đủ tiền nợ thì doanh nghiệp logistics có quyền định đoạt đối với hàng hóa hoặc các chứng từ có liên quan (có thông báo bằng văn bản cho khách hàng biết về việc định đoạt).
– Mọi chi phí cầm giữ và định đoạt hàng hóa do khách hàng chịu.
4. Miễn trách nhiệm bồi thường đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này không tránh khỏi những rủi ro. Tuy nhiên, không phải tổn thất nào doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm. Pháp luật quy định một số rủi ro mà doanh nghiệp được miễn trách nhiệm bồi thường về những tổn thất đối với hàng hoá phát sinh, cụ thể như sau:
– Do các bên thỏa thuận.
– Có sự kiện bất khả kháng.
– Do khuyết tật hàng hóa.
– Tổn thất do lỗi hoàn toàn của khách hàng hoặc người được khách hàng ủy quyền.
– Tổn thất phát sinh do doanh nghiệp làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc người được khách hàng uỷ quyền.
– Tổn thất thuộc trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tập quán vận tải (nếu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức vận tải).
– Doanh nghiệp không nhận được khiếu nại trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày doanh nghiệp giao hàng cho người nhận.
– Doanh nghiệp không nhận được thông báo về việc bị kiện trong thời hạn 9 tháng kể từ ngày giao hàng.
– Doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm về việc mất khoản lợi đáng lẽ được hưởng của khách hàng, về sự chậm trễ hoặc thực hiện dịch vụ logistics sai địa điểm không do lỗi của mình.
– Do quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
5. Giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics
Khi rủi ro phát sinh mà doanh nghiệp không thuộc một trong các trường hợp được miễn trách nhiệm thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo tiêu chí sau:
– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiêp được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan đến từng dịch vụ logistics cụ thể.
– Nếu pháp luật liên quan không có quy định giới hạn trách nhiệm thì các bên thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại do hàng hóa bị tổn thất.
– Nếu các bên không có sự thỏa thuận thì thực hiện việc bồi thường như sau:
+ Trường hợp khách hàng không có thông báo trước về trị giá của hàng hóa thì giới hạn trách nhiệm tối đa là 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường.
+ Trường hợp khách hàng đã thông báo trước về trị giá của hàng hóa và được doanh nghiệp xác nhận thì giới hạn trách nhiệm sẽ không vượt quá trị giá của hàng hóa đó.
– Nếu doanh nghiệp thực hiện công việc qua nhiều công đoạn với giới hạn trách nhiệm khác nhau thì doanh nghiệp phải chịu mức giới hạn trách nhiệm cao nhất đối với khách hàng.
Thực tế có thể thấy rằng, ngành logistics ở Việt Nam đang có đà phát triển rất lớn và đầy tiềm năng như sở hữu nhiều kho bãi, địa lý, văn hóa,… Mặc dù điều kiện thuận lợi nhưng còn tùy thuộc vào bản thân doanh nghiệp Việt Nam có nắm bắt được cơ hội đó hay không.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm tại Luật thương mại 2005 và Nghị định 163/2017/NĐ-CP