Kinh tế luôn luôn thay đổi theo sự phát triển của thế giới kéo theo những chính sách, chủ trương của Nhà nước cũng cần có sự thay đổi để cho phù hợp. Các doanh nghiệp là những đối tượng chính của các chủ trương kinh tế. Bởi vậy, năm 2019 với những chủ trương chính sách mới mà doanh nghiệp cần phải nắm rõ và lưu ý trong bài viết dưới đây
1. Ban hành mới 86 biểu mẫu sử dụng trong đăng ký kinh doanh
Khi tiến hành đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì các biểu mẫu thực hiện thủ tục sẽ áp dụng mẫu mới được ban hành kèm theo Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT bắt đầu từ ngày 11/3/2019.
Cụ thể, 86 biểu mẫu được ban hành mới bao gồm:
– 5 mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và 5 mẫu Danh sách kèm theo như Danh sách về cổ đông, thành viên hợp danh, người đại diện;
– 25 mẫu Thông báo và các văn bản khác do doanh nghiệp phát hành;
– 6 biểu mẫu quy định cho hộ kinh doanh;
– 45 mẫu văn bản quy định cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
2. Lộ trình triển khai sử dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp
Lộ trình triển khai hóa đơn điện tử đổi với doanh nghiệp được quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP như sau:
– Cơ sở kinh doanh đã thông báo phát hành hóa đơn điện tử không có mã hoặc đã đăng ký hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế trước 01/11/2018 thì được tiếp tục sử dụng;
– Cơ sở kinh doanh mới thành lập chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin thì tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in, tự in hoặc mua của cơ quan thuế (hóa đơn giấy) theo quy định;
– Cơ sở kinh doanh đã thông báo phát hành hóa đơn giấy trước 01/11/2018 thì tiếp tục sử dụng đến hết 31/10/2020.
3. Doanh nghiệp phải tự kiểm tra việc chấp hành PLLĐ ít nhất 01 lần/năm
Đây là hoạt động tự kiểm tra của doanh nghiệp được quy định tại Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH ngày 17/10/2018.
Theo đó, doanh nghiệp phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động ít nhất mỗi năm 01 lần nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến tuân thủ. Cụ thể như sau:
– Thời gian kiểm tra: Do doanh nghiệp quyết định;
– Thời kỳ kiểm tra: Từ ngày đầu tiên tháng một dương lịch của năm trước đến thời điểm kiểm tra;
– Nội dung tự kiểm tra: Việc thực hiện báo cáo định kỳ; tuyển dụng và đào tạo lao động; giao kết và thực hiện hợp đồng lao động….
Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019.
4. Doanh nghiệp dưới 10 NLĐ miễn gửi thang, bảng lương
Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định 121/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 49/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động 2012 về tiền lương.
5. Chế độ kế toán mới dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ
Theo Thông tư 132/2018/TT-BTC thì doanh nghiệp siêu nhỏ bắt đầu từ ngày năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/4/2019 sẽ:
+ Được lựa chọn áp dụng Chế độ kế toán được hướng dẫn theo Thông tư 132/2018/TT-BTC hoặc Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành theo Thông tư 133/2016/TT-BTC năm 2016.
+ Không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng và được ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để thuê dịch vụ làm kế toán hoặc dịch vụ làm kế toán trưởng.
Thông tư 132/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/02/2019.